Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 10/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

ASEAN VÀ VẤN ĐỀ NỔI CỘM TRÊN BIỂN ĐÔNG

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khai mạc ở thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 31-7 với lời kêu gọi của nước chủ nhà về việc hội nhập sâu rộng hơn để mở rộng giao thương và củng cố thịnh vượng tại khu vực giữa lúc không ít thách thức toàn cầu đang trỗi dậy. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tập trung trao đổi về những vấn đề nổi lên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kế hoạch triển khai Tài liệu Quan điểm ASEAN về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về quan hệ đối tác vì sự bền vững, cũng như tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Theo một số chuyên gia, vấn đề biển Đông là một trong những nội dung thảo luận quan trọng tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan lần này, diễn ra từ ngày 29-7 đến 3-8. Tình hình thực địa đang nóng lên sau khi Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông. Theo Reuters, tuyên bố chung của hội nghị cho biết các bộ trưởng đã thảo luận về tình hình biển Đông và một số bộ trưởng bày tỏ quan ngại về việc cải tạo đất, những hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình và ổn định khu vực.

ASEAN và vấn đề nổi cộm trên biển Đông - Ảnh 1.

Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN chụp ảnh tại lễ khai mạc hội nghị ở thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 31-7. Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại cuộc gặp các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 31-7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết hai bên cam kết làm việc cùng nhau để duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực. Theo AP, Trung Quốc và ASEAN đã hoàn tất vòng đàm phán đầu tiên về COC nhưng các chuyên gia cho rằng 2 vòng đàm phán tiếp theo có thể gặp nhiều thách thức hơn, nhất là khi Bắc Kinh không có dấu hiệu từ bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết biển Đông.

Washington vào tuần rồi cáo buộc Bắc Kinh có "hành vi bắt nạt" các nước láng giềng và biển Đông là nội dung thảo luận quan trọng khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bangkok hôm 31-7 để dự Hội nghị ASEAN. Giới chức ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo mang đến Bangkok thông điệp tái trấn an rằng Mỹ vẫn gắn kết chặt chẽ với châu Á trong lúc tích cực thúc đẩy quan hệ với bạn bè và đối tác, trong đó có việc bảo đảm tự do đi lại trên biển và trên không.

Trước thềm chuyến đi trên, 4 thượng nghị sĩ Mỹ hôm 30-7 đã viết thư kêu gọi ông Pompeo lên án hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Bangkok. Ngoài ra, lá thư thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump làm nhiều hơn để ngăn chặn các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông. Theo các tác giả, điều này đòi hỏi một chiến lược rõ ràng, toàn diện cùng sự đồng thuận với các đồng minh và đối tác, trong đó ASEAN là trung tâm của mọi nỗ lực. 

Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp

Ngày 31-7, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tổ chức ở Bangkok - Thái Lan, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.

Theo phóng viên TTXVN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển.

Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, vi phạm Tuyên bố Về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.

Cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Lục San

Hoàng Phương

 

Nguồn: nld.com.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển