Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Âm mưu của Trung Quốc trên biển Đông là bất biến

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông mới đây vừa xuất bản cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” do tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - chủ biên. Chúng tôi xin giới thiệu một phần của chương 4 trong cuốn sách, phân tích về chiến lược và chính sách của Trung Quốc ở biển Đông.

Âm mưu của Trung Quốc trên biển Đông là bất biến

30 tàu cá Trung Quốc đã kéo đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam hôm 15.7.

Từ những năm 1990, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương.

Năm 1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển.

Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương “khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau”, “ngoại giao đi trước, hải quân đi sau”, “văn công vũ vệ”; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật.

Về phương thức hợp tác, Trung Quốc chủ trương lấy song phương là chính, đa phương khi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Hướng chính ra biển của Trung Quốc là biển Đông - nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự và các nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự.

Để thực hiện chiến lược biển của mình, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã ráo riết triển khai nhiều biện pháp đối nội và đối ngoại, trên bàn đàm phán và trên thực địa để khẳng định chủ quyền của mình.

Tiềm lực quân sự

Trung Quốc đã ra sức tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là không quân và hải quân (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay SU 27, SU 30, tiếp dầu trên không, tổ chức tập trận hải quân). Dự kiến năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường quân sự thế giới, có khả năng tác chiến biển xa.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Trên biển Đông, Trung Quốc cũng đã 3 lần sử dụng vũ lực để chiếm đóng thêm các đảo mới.

Tàu Ngư Chính 310 của Trung Quốc đang hỗ trợ 30 tàu cá nước này xâm phạm vùng biển ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
 

Trung Quốc cũng củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã xây dựng cảng, đường băng sân bay dài trên 2.500m ở Hoàng Sa và biến Hoàng Sa trở thành căn cứ hải - lục - không quân và tàu ngầm mạnh, trong thời gian ngắn đã xây dựng các bãi cạn và bãi ngầm mà họ chiếm đóng ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo và căn cứ vững chắc.

Trung Quốc cũng luôn để ngỏ khả năng mở rộng chiếm đóng mới, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát tìm kiếm thăm dò tài nguyên, sử dụng lực lượng quân sự mạnh để hỗ trợ, bảo vệ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên biển, phát triển trang thiết bị cảnh giới biển và công nghệ khai thác biển sâu. Có thể nói, Trung Quốc là nước có đầy đủ dữ liệu nhất về tài nguyên biển, kể cả các vùng sát với bờ biển của Việt Nam.

Chia rẽ ASEAN

Trung Quốc thực hiện chính sách vừa lôi kéo, vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia, hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ, Nhật; tập trung mũi nhọn sức ép vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật “ngoại giao cấp cao”, “đại cục quan hệ”, “trả đũa mạnh” để hạn chế đấu tranh của Việt Nam.

Khi buộc phải ký và tham gia vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) với ASEAN, Trung Quốc đã cố gắng đưa vào các bổ sung để đảm bảo không gây cản trở đến việc thực hiện ý đồ “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc, không để ASEAN co cụm với nhau trong diễn đàn DOC và quá trình xây dựng quy tắc ứng xử, tìm cách gạt bỏ chủ đề biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ARF, phong trào không liên kết và đặc biệt Trung Quốc kiên quyết phản đối phương thức đàm phán đa phương, chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương, mặc dù có những tranh chấp có liên quan đến nhiều bên.

Trung Quốc thúc ép mạnh mẽ các nước trong khu vực thực hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”... Thực chất, ngoài khu vực Trường Sa, các khu vực Trung Quốc muốn “cùng khai thác” với các nước liên quan đều là các khu vực nằm trong phạm vi vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của các nước có tiềm năng dầu khí. Do vậy, đề xuất “gác tranh chấp, cùng nhau khai thác” này của Trung Quốc không thể chấp nhận được trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Tóm lại, chủ trương của Trung Quốc từng bước tăng cường, mở rộng khả năng kiểm soát khống chế và tranh giành lợi ích tài nguyên ở biển Đông, dùng vị thế ở biển Đông để răn đe các nước trong khu vực, phá thế bao vây cô lập của Mỹ, Nhật - là nhất quán và bất biến. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, học giả quốc tế thì chính sách của Trung Quốc là nguồn gốc cơ bản gây ra tình hình bất ổn định trên biển Đông.

theo laodong.com

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển