Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

6 vấn đề cần chú ý trong đào tạo nghề

(Chinhphu.vn) - Hiện nước ta còn khoảng 70% lao động chưa được đào tạo nghề, đây chính là một trong những khâu yếu của nguồn nhân lực Việt Nam.

 

 
 

Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã đầu tư khoảng 1.300 trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề song chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo tài liệu công bố của cơ quan nghiên cứu về lao động thế giới, nguồn nhân lực của nước ta đang thấp về tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Nếu lấy thang điểm 10 là cao nhất thì chỉ số tổng hợp của nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ là 3,79 trong khi đó Malaysia là 5,59, Trung Quốc là 5,73, Hàn Quốc là 6,91. Mức độ sẵn có về lao động có chất lượng cao của Việt Nam chỉ đạt 3.25 điểm trong thang điểm 10.

Để phát huy nguồn lực của 60 triệu người trong độ tuổi lao động, đòi hỏi phải có những bước đột phá trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015, trong đó, cần tập trung vào một số điểm chính.

Một là, phát triển và củng cố các trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, các trung tâm đơn vị khuyến nông, khuyến công… để làm nòng cốt trong đào tạo nghề có chất lượng cao.

Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020 đặt mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2015 lên 40% và đến năm 2020 là 55%.

Hai là, huy động các hội, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước tham gia đào tạo nghề. Nước ta có trên 400 hội và hiệp hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc và hơn 4.157 hội phạm vi hoạt động trên 64 tỉnh, thành phố, trong đó có trên 500 tổ chức hoạt động trên lĩnh vực khoa học công nghệ, hàng trăm tổ chức bảo trợ xã hội và tư vấn pháp luật.

Các hội, hiệp hội đã thu hút hàng trăm nghìn hội viên hoạt động từ Trung ương đến các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường, tập hợp rất nhiều nhà khoa học từ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, công nhân lành nghề đã về hưu hoặc đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác nguồn chất xám này để tham gia thành lập các trung tâm đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất và hiệu quả cho nền kinh tế.

Ba là, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các cơ sở dạy nghề chất lượng cao trước khi đầu tư sản xuất kinh doanh, để khi các công trình đưa vào hoạt động thì đã có sẵn nguồn nhân lực đồng bộ đáp ứng được ngay cho sản xuất. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp hiện có cần phát triển thêm các trung tâm dạy nghề riêng vừa đảm bảo nguồn nhân lực cho mình và cung cấp thêm cho xã hội.

Đối với các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng mở thêm các trung tâm dạy nghề, liên kết với các doanh nghiệp Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội để đào tạo nghề góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động trẻ.

Điều quan trọng để đảm bảo cho đào tạo nghề có hiệu quả là các tổ chức kinh tế, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo phải liên kết và phối hợp chặt chẽ với nhau. Đó chính là sự phối hợp hài hòa giữa cung và cầu, giữa đào tạo và sản xuất, giữa thị trường lao động và người lao động.

Bốn là, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động trẻ ở nông thôn, đây chính là lực lượng quyết định cho sự thành bại của việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm là, có biện pháp để thúc đẩy sự liên kết, liên doanh giữa các cơ sở đào tạo của Nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chính trị, xã hội nghề nghiệp… Theo dõi, kiểm tra, tổng kết các mô hình dạy nghề có hiệu quả và nhân rộng ra trong toàn xã hội…

Sáu là, để điều phối các nguồn lực trên tham gia trong đào tạo nghề cần thiết ở Trung ương và địa phương phải có một cơ quan điều hành chung, có tính chuyên nghiệp cao, dự báo được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và ngoài nước trong từng thời kỳ, cung cấp thông tin kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động; xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy, trang thiết bị phù hợp với từng đối tượng học nghề, giới thiệu đội ngũ giáo viên có năng lực để làm công tác giảng dạy.

Đồng thời, cũng là cơ quan tư vấn cho Nhà nước Trung ương và địa phương trong việc lồng ghép các chương trình, dự án từ nguồn ngân sách trong nước, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài trong lĩnh vực dạy nghề, tránh chồng chéo, thiếu tập trung và lãng phí nguồn lực...

Trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và yêu cầu xây dựng đất nước ta thành một nước công nghiệp hóa-hiện đại hóa, việc phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng quyết định đến việc nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh, giải quyết nguồn lao động dư thừa không có việc làm trong xã hội, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Vì vậy việc tổ chức và triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề, Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ 2011-2020 và tổ chức thực hiện trở nên hết sức cấp bách, đòi hỏi Trung ương, địa phương, cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội cùng tham gia.

TS Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển
nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam

 

Theo www.chinhphu.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển