Để phát triển hệ thống dạy nghề bền vững, cần phải có sự tham gia tích cực chủ động của doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề ở các cấp độ khác nhau.
Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo “Chiến lược phát triển dạy nghề, giai đoạn 2011-2020” vừa diễn ra tại tỉnh Bình Dương.
Cần sự thay đổi mạnh mẽ
Theo dự thảo Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020 dân số Việt Nam đạt 99 triệu người, trong đó có 50 triệu người có việc làm.
Khi đó nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó nền kinh tế cần có đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ năng nghề với cơ cấu và trình độ phù hợp. Điều này đòi hỏi dạy nghề phải thay đổi mạnh mẽ, phát triển nhanh mới đáp ứng nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp.
Ông Dương Đức Lân, Phó Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có 367 trường cao đẳng và trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề, trên 1.000 cơ sở dạy nghề khác.
Những năm qua qui mô dạy nghề công nhân luôn đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm, với 1,5 triệu lượt người được qua đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 26% và 70% học sinh khi ra trường có việc làm ổn định.
Trong dự thảo Chiến lược dạy nghề 2011-2020, Tổng cục Dạy nghề đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 27,5 triệu người, trong đó có 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm, nâng tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 55% và 90% lao động qua đào tạo có việc làm phù hợp với nghề và trình độ.
Theo ông Dương Đức Lân, giai đoạn này sẽ tạo đột phá và nâng cao chất lượng dạy nghề, đặc biệt đối với những nghề có tính cạnh tranh cao và để làm được điều này, một trong những yếu tố quan trọng là phải có mối quan hệ thực sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng nghề Đồng An, xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, Bình Dương cho rằng để đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật có tay nghề cao của xã hội, doanh nghiệp phải có sự gắn kết chặt chẽ. Một vấn đề mấu chốt mà các doanh nghiệp cần làm là chính sách hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề.
Khuyến khích doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị đều khẳng định sẵn sàng tham gia hoạt động dạy nghề và cũng rất cần một chính sách khích lệ ưu đãi của Nhà nước.
Một số doanh nghiệp nêu lên thực tế ở Việt Nam hiện nay đào tạo còn chưa theo sát thực tế và kém xa so với khu vực; chất lượng trường nghề chưa đồng nhất, nhiều trường còn kém chất lượng nhưng vẫn tồn tại; nhiều trường còn “bảo thủ” và quay lưng cả với đơn đặt hàng của doanh nghiệp...
Về dự thảo về Chiến lược dạy nghề , nhiều doanh nghiệp góp ý rằng lộ trình chiến lược đưa ra quá dài, cần phải nhanh chóng triển khai để nâng cao chất lượng nguồn lực; cụ thể hóa chính sách cho doanh nghiệp đầu tư trường cũng như ưu đãi để động viên, khuyến khích cho doanh nghiệp hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề...
Tham dự Hội nghị, ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và đánh giá, trong thời gian qua nguồn lao động thiên về số lượng, thời gian tới phải chuyển hướng sang chất lượng.
Thứ trưởng cho rằng, có nhìn thẳng vào sự thật mới đánh giá được những tồn tại để đưa ra những giải pháp tốt hơn trong đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và cho biết sẽ xem xét hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020 để sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Theo vneconomy.vn