Tạp chí Newsweek vừa bình chọn 10 tỉ phú lớn nhất châu Á, đáng chú ý trong danh sách này là sự xuất hiện của 4 tên tuổi lớn từ Hồng Kông.
Họ là những người đã đi đầu trong cuộc chuyển mình của châu Á, từ một vùng nước đọng nghèo khó cuối Thế chiến II thành khu vực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Nhưng điều đáng ngại là giờ đây họ đều đã già và một người trong số này đã qua đời.
1. Li Ka-shing
Tuổi: 78
Quốc tịch: Hồng Kông
Tổng tài sản: 23 tỉ USD
Thời trung học, Li từng bỏ học nửa chừng và bắt đầu bán hoa nhựa tại Hồng Kông vào những năm 1950. Giờ đây, Li Ka-shing được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất châu Á với tổng tài sản lên tới 23 tỷ USD. Ông là nhà điều hành của các công ty: vận tải tàu biển, điện, điện thoại di động, bán lẻ và bất động sản. Được tạp chí Asiaweek mệnh danh là “Người đàn ông quyền lực nhất châu Á” năm 2001, gần đây ông Li đã công bố một kế hoạch bất ngờ là sẽ tài trợ 1/3 tài sản cho các hoạt động từ thiện.
2. Makesh và Anil Ambani
Tuổi: 49 và 47
Quốc tịch: Ấn Độ
Tổng tài sản: 20,1 tỉ USD và 18,2 tỉ USD
Là hai con trai của cố chủ tịch Tập đoàn Reliance Industries Limited Dhirubhai Ambani, Mukesh và Anil đã chia nhau tài sản của gia đình sau cái chết của người cha vào năm 2005. Mukesh thừa kế Reliance Industries và công ty lọc dầu Reliance Petroleum trong khi Anil điều hành các công ty điện, tài chính và truyền thông của gia đình.
3. Lee Shau Kee
Tuổi: 79
Quốc tịch: Hồng Kông
Tổng tài sản: 17 tỉ USD
Lee Shau Kee - người khai sinh tập đoàn bất động sản Henderson Land, được mệnh danh là Warren Buffett của Châu Á. Với tài sản 17 tỉ USD, ông là tỉ phú giàu thứ 2 tại Hồng Kông và chiếm vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng những nhân vật giàu có nhất của Forbes.
4. Stanley Ho
Tuổi: 85
Quốc tịch: Hồng Kông
Tổng tài sản: 7 tỉ USD
Đế chế sòng bạc của Stanley Ho đã thống lĩnh ngành công nghiệp đánh bạc tại Hồng Kông hàng thập kỷ. 7 năm trước kể từ khi mở cửa thị trường với nước ngoài, lợi nhuận của tập đoàn STDM Ma Cao do ông Ho điều hành đã phải đối mặt trước sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ từ Las Vegas. Hiện nay, người nước ngoài kiểm soát 54% thị trường sòng bạc của Hồng Kông.
5. Robert Kuok
Tuổi: 83
Quốc tịch: Malaysia
Tổng tài sản: 7 tỉ USD
Kuok bắt đầu mua bán gạo, đường và bột mì tại Malaysia và Singapore vào đầu những năm 1950. Hiện ông đang làm chủ tập đoàn Kuok, công ty đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực dầu, đường, vận tải, bất động sản và truyền thông. Ông Kuok cũng kiểm soát một chuỗi các khách sạn, trong đó có khách sạn nổi tiếng Shangri-La.
6. Wang Yung-ching
Tuổi: 90
Quốc tịch: Đài Loan
Tổng tài sản: 5,1 tỉ USD.
Mặc dù chỉ học hết cấp 1 nhưng ông Wang đã xây dựng tập đoàn Formosa Plastics thành một trong những cơ sở lọc dầu lớn nhất châu Á. Ông hiện là tỉ phú châu Á nhiều tuổi nhất trong danh sách của Forbes.
7. Lim Goh Tong
Tuổi: 89
Quốc tịch: Malaysia
Tổng tài sản: 4.,2 tỉ USD
Người sáng lập tập đoàn Genting Group là cựu nhà thầu các trông trình công cộng, người đã phát triển đồi Genting Sempah thành một khu phức hợp khách sạn, sòng bạc lớn nhất thế giới. Năm 2006, công ty của ông đã giành dự án phát triển một khu nghỉ dưỡng giải trí và đánh bạc cao cấp tại đảo Sentosa của Singapore.
8. Nina Wang
Qua đời vào tháng 4/2007 ở tuổi 69
Quốc tịch: Hồng Kông
Tổng tài sản: 4,2 tỉ USD
Sau khi chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 8 năm để giành quyền thừa kế với bố chồng năm 2005, bà Wang đã trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á. Khi qua đời vào tháng 4/2007, bà đã để lại toàn bộ tài sản cho thầy bói, mở đường cho một cuộc chiến pháp lý khác với gia đình của bà.
9. Lee Kun Hee
Tuổi: 65 tuổi
Quốc tịch: Hàn Quốc
Tổng tài sản: 2,9 tỉ USD
Chủ tịch tập đoàn điện tử Samsung Lee Kun-hee là một trong những doanh nhân có uy tín và ảnh hưởng nhất tại Hàn Quốc. Ông được tạp chí Time chọn là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2005. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Lee có dính dáng tới nhiều vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề tài chính của tập đoàn cũng như bản thân ông.
10. Chung Mong-koo
Tuổi: 69
Quốc tịch: Hàn Quốc
Tổng tài sản: 2,2 tỉ USD
Vào năm 1999, ông Chung đã thừa kế tập đoàn Hyundai Motors từ cha ông - người sáng lập Chung Ju-yung và đã giúp công ty tăng doanh số bán hàng lên gấp 3. Tuy nhiên, tháng 2 vừa rồi, ông Chung đã bị kết án 3 năm tù giam vì biển thủ quĩ và sử dụng tiền sai mục đích. Hiện ông đang kháng cáo bản án này.